Các chính sách cởi mở về công nghệ, sự xuất hiện của Hiệp hội Blockchain Việt Nam… là những yếu tố khiến các chuyên gia Hàn Quốc tin rằng thị trường blockchain Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.
Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam và ông Huy Nguyễn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu trong chương trình “Blockchain Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Blockchain Expo Hồ Chí Minh 2022, với sự tham gia góp mặt và chia sẻ của các diễn giả, nhà lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm trong cả ngành blockchain và thị trường tài chính truyền thống. Đặc biệt là sự tham gia của Chủ tịch các Hiệp hội và tổ chức về công nghệ, trong đó có Hiệp hội Khởi nghiệp Blockchain Hàn Quốc và Hội nghị thượng đỉnh công nghệ chuỗi khối Marvels.
Cái bắt tay triệu USD giữa các nhà lãnh đạo
Trong phiên thảo luận đầu tiên, các diễn giả cùng nhau chia sẻ về chủ đề “Thách thức và cơ hội của Startup Việt Nam trong lĩnh vực blockchain Việt Nam” do Tiến sĩ Huỳnh Võ Trung Dũng dẫn dắt, với sự tham gia của ông Choi Soo Hyuk – Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Blockchain Hàn Quốc, ông Park Bong Kyu – Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh công nghệ chuỗi khối Marvels, ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam kiêm Chủ tịch Decom Holdings và Luật Sư Phong Đào.
Các chuyên gia cho biết ở Việt Nam chưa có văn bản cụ thể cho blockchain, nhưng với những động thái hiện nay của chính phủ dành cho công nghệ này đang khá tích cực. Cụ thể đến từ các chủ trương, chính sách đã tạo nhiều cơ hội cho blockchain phát triển. Điển hình là từ năm 2020, Bộ Tài chính đã thành lập một tổ nghiên cứu ứng dụng tiền số pháp định (CBDC). Năm 2021, chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ ban ngành tiến hành nghiên cứu blockchain tại Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 31.03.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, định hướng đến năm 2030, thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế vững mạnh thông qua công nghệ. Chính nhờ những chính sách cởi mở này, Việt Nam đã có nhiều thành quả đầu tiên trong lĩnh vực blockchain, điển hình là sự thành công của các kỳ lân Việt Nam nổi tiếng thế giới.
Thế nhưng để phát triển thuận lợi hơn và tạo bứt phá dẫn đầu vị thế công nghệ trong khu vực thì Việt Nam vẫn cần đề xuất các chính sách pháp lý để giúp startup nước nhà phát triển hơn nữa. Bên cạnh những công văn của chính phủ được luật sư Phong Đào trích dẫn, ông Phan Đức Trung còn nhấn mạnh sự ra đời của Hiệp hội Blockchain Việt Nam được Bộ Nội vụ cho phép thành lập vào tháng 04.2022 cũng là một tín hiệu khả quan cho ngành blockchain nước nhà. Hiệp hội thành lập với chức năng làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà nước để phát triển các chính sách liên quan đến blockchain.
Phiên thảo luận về “Thách thức và cơ hội của Startup Việt Nam trong lĩnh vực blockchain Việt Nam”