Với việc Trung Quốc báo cáo số lượng ca nhiễm Covid-19 kỷ lục, hơn 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này hiện đang bị phong tỏa – tương đương với tác động kinh tế của việc Thượng Hải đóng cửa hồi tháng 4 năm nay.
Theo báo cáo của Nomura công bố hôm 24/11, khoảng 21,1% tổng GDP của Trung Quốc hiện đang bị phong tỏa.
Các trường hợp nhiễm Covid-19 mới tại Trung Quốc đã tăng lên 31.444 ca vào hôm 24/11, vượt qua mức cao trước đó là 29.317 hồi giữa tháng 4, khi Thượng Hải bị phong tỏa toàn thành phố. Chính quyền ở các siêu đô thị Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Trùng Khánh gần đây đều đã thắt chặt các hạn chế.
Theo đó, Nomura ước tính tỷ lệ GDP bị phong tỏa sẽ lên đến hơn 30% trong vài tuần tới, kéo tăng trưởng kinh tế trong quý IV giảm xuống mức âm.
Ca nhiễm Covid-19 gia tăng và sự kiên định của chính phủ về chính sách không Covid đã tiêu tan hy vọng sớm mở cửa trở lại.
Đầu tháng này, Bắc Kinh đã đưa ra 20 biện pháp củng cố niềm tin của thị trường, bao gồm nới lỏng quy định về du lịch trong nước, đồng thời kêu gọi chính quyền địa phương hạn chế các biện pháp phong tỏa.
Thêm vào đó, thông báo hỗ trợ du lịch liên vùng hay tổ chức các buổi hòa nhạc và hoạt động giải trí, cũng nâng cao tâm trạng trong nước. Nhưng một số người nói rằng con đường mở cửa trở lại dường như đã hẹp hơn.
“Rõ ràng, “20 Biện pháp” là điểm uốn của chính sách zero-Covid, nhưng “tiến hai bước và lùi một bước” sẽ là tiêu chuẩn mới trong những tháng tới” – các nhà kinh tế học của Macquarie, Larry Hu và Zhang Yuxiao, cho biết trong một báo cáo công bố hôm 23/11. “Trung Quốc có thể đã qua mất điểm không thể quay lại, vì nước này khó có thể đạt được mức zero-Covid một lần nữa nếu không có một đợt phong tỏa cứng khác kiểu Thượng Hải”.
Dù các nhà kinh tế của Macquarie cho rằng tác động kinh tế sẽ ít nghiêm trọng hơn so với đợt bùng phát trên toàn quốc vào tháng 4 và tháng 5, nhưng thiệt hại vẫn rất nặng nề. Hoạt động kinh tế sụt giảm thể hiện ở các chuyến bay nội địa, tàu điện ngầm, doanh thu phòng vé và diện tích sàn bán ra.
Cũng trong tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi Trung Quốc “điều chỉnh lại” chiến lược zero-Covid của mình để đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở lại đúng hướng.