Ngày 17/11, chính phủ Anh đã công bố kế hoạch tài chính trung hạn, còn được gọi là tuyên bố mùa Thu, với các biện pháp thắt chặt chi tiêu công lên tới 55 tỷ bảng Anh, tức khoảng 64,8 tỷ đô la Mỹ. Kế hoạch này nhằm phục hồi lại nền kinh tế, giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân, cũng như khôi phục danh tiếng thị trường tài chính hàng đầu thế giới của nước này.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 17/11 đã công bố các đợt tăng thuế sâu rộng và cắt giảm chi tiêu. Động thái này khiến Anh trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên của phương Tây bắt đầu “thắt lưng buộc bụng” về chi tiêu công sau nhiều năm tăng cường kích thích tài chính thời đại dịch và trợ cấp năng lượng gần đây.
Các biện pháp này đánh dấu sự thay đổi lớn thứ hai trong chính sách kinh tế của Vương quốc Anh chỉ trong vài tháng, sau khi cựu Thủ tướng Anh Liz Truss khiến thị trường tài chính hoảng loạn khi cam kết thúc đẩy tăng trưởng dựa trên các đợt cắt giảm thuế khiến nợ chính phủ càng thêm chồng chất và đồng bảng Anh mất giá ở mức thấp kỷ lục so với đồng USD.
Là người kế nhiệm bà Truss, Thủ tướng Sunak đang thực hiện chính sách kinh tế theo hướng khác, cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng Vương quốc Anh nghiêm túc trong việc kiểm soát gánh nặng nợ công đang ngày càng tăng. Thách thức của ông Sunak sẽ là lấy lại niềm tin của thị trường mà không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Anh vốn đang bước vào suy thoái.
“Để giữ cho thị trường hài lòng, việc thắt chặt tài chính cần phải lớn hơn nữa”, ông Paul Dales, nhà kinh tế trưởng phụ trách nền kinh tế Anh tại công ty Capital Economics, cho biết.
Một số nhà kinh tế cũng cho rằng suy thoái kinh tế ở Anh có thể kéo dài hơn ở nhiều nước phương Tây, do sự kết hợp của các vấn đề về năng suất kéo dài, tình trạng thiếu hụt trầm trọng công nhân và quyết định lập các rào cản thương mại với Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit.
Phản ứng với kế hoạch tài chính mới của Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Sunak, ông Rachel Reeves, người đảm nhiệm vấn đề tài chính của Đảng Lao động Anh (đối lập), cho biết: “Đảng Bảo thủ đã phá vỡ nền kinh tế của chúng ta, từ bỏ tăng trưởng và khiến lạm phát tăng vọt. Như thường lệ, chính những người lao động bình thường đang phải trả giá”.
Theo dự báo của OBR, nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm 2024 và 2,6% trong năm 2025, so với mức dự báo tương ứng trước đó lần lượt là 2,1% và 1,8%. Anh là thành viên G7 duy nhất mà nền kinh tế chưa phục hồi về mức trước đại dịch