Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại một hội nghị của Viện Nghiên cứu Nhật Bản: “Người phù hợp nhất để giải quyết tình hình kinh tế vào tháng 4/2023 sẽ được bổ nhiệm vào vị trí đó (Thống đốc BoJ)”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết vẫn còn “quá sớm” để thảo luận việc sửa đổi Tuyên bố chung năm 2013 giữa Chính phủ và BoJ, trong đó kêu gọi ngân hàng trung ương này đạt được mục tiêu lạm phát 2% càng sớm, càng tốt. Nhiệm kỳ hiện nay của Thống đốc Kuroda dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 4/2023. Hôm 10/11, Thống đốc Kuroda đã bác bỏ ý tưởng tiếp tục tại vị sau khi kết thúc nhiệm kỳ đồng thời đưa ra nhận định: “Sự tăng giá tiêu dùng có thể sẽ vẫn thấp hơn mức 2% trong tài khóa 2023 và tài khóa sau đó, vì vậy, chúng ta chưa ở vào thời điểm có thể thảo luận và từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng”.
Tuy nhiên, sau đó, hôm 20/12, BoJ đã bất ngờ quyết định tăng gấp đôi biên độ dao động lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm từ mức cộng trừ 0,25% hiện nay lên cộng trừ 0,5% – một quyết định mà giới phân tích nhận định không khác gì việc BoJ đã tăng lãi suất dài hạn.
Trong bối cảnh đó, hiện nay, các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao xem ai sẽ trở thành người đứng đầu BoJ vào năm tới để đưa ra dự báo về chính sách tiền tệ của Nhật Bản trong thời gian tới.