Giá hàng hóa lao dốc: Tín hiệu đáng lo về kinh tế toàn cầu?

2024-08-13
Giá hàng hóa đã giảm mạnh trong tháng qua, phát đi tín hiệu đáng ngại tiềm ẩn trong nền kinh tế toàn cầu.

Chứng khoán Mỹ đã lấy lại phần lớn những gì đã mất trong đợt bán tháo mạnh tuần trước. Các nhà đầu tư đã cố gắng bỏ qua nỗi lo suy thoái và một số nhà phân tích cho rằng nền tảng kinh tế Mỹ vẫn vững chắc. Tuy nhiên, thị trường hàng hóa có thể đang kể một câu chuyện khác về nền kinh tế toàn cầu.

Quỹ Invesco DB Base Metals đã giảm hơn 7% trong tháng qua, trong khi hợp đồng tương lai dầu thô giảm 14% từ ngày 05/07 đến 05/08.

Trong một báo cáo nghiên cứu vào thứ Sáu (09/08), Rob Ginsberg, Giám đốc điều hành tại Wolfe Research, nói với khách hàng rằng: "Về thị trường hàng hóa, toàn bộ lớp tài sản này đang chịu áp lực. Ngoại trừ vàng, bạn sẽ khó tìm thấy một kịch bản tích cực. Chúng tôi xem sự sụt giảm rộng rãi của giá hàng hóa này như một cảnh báo về tình trạng của nền kinh tế”.

Đặc biệt, diễn biến của giá đồng - vốn được xem là chỉ báo sớm về sức khỏe kinh tế - đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Theo Bart Melek, Giám đốc Chiến lược Hàng hóa Toàn cầu tại TD Securities, giá đồng tương lai đã tăng vọt vào đầu năm nay do kỳ vọng về một siêu chu kỳ. Giới giao dịch kỳ vọng nhu cầu sẽ vượt xa nguồn cung do đồng được sử dụng như một yếu tố đầu vào chính trong các ngành công nghiệp tăng trưởng như xe điện, bán dẫn và năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, giá đồng tương lai đã giảm 21.4% từ mức đỉnh năm 2024 là 5.19 USD/pound vào ngày 20/5 xuống còn 4,089 USD vào ngày 12/08. Giá đồng tương lai đã giảm gần 12% trong 1 tháng qua.

Melek nói với CNBC: "Câu chuyện về siêu chu kỳ, thế giới tuyệt vời của xe điện, đang tan biến rất nhanh. Chẳng còn ai nói về nó nữa”.

Sự trì trệ của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang gây áp lực lên giá đồng và dầu, ông Melek nói. Dữ liệu sản xuất toàn cầu cũng không "bùng nổ", ông nói. Vị chuyên gia này cho rằng có khả năng đồng và dầu đang đối mặt với tình trạng dư thừa hơn là thiếu cung như một số nhà phân tích đã kỳ vọng.

"Chúng ta không nhận được kích thích tài khóa lớn ở Trung Quốc", Melek nói. "Trước đó đã có nhiều người đặt cược vào khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra một số loại biện pháp kích thích để vực dậy nền kinh tế của họ."

Mặc dù giá dầu đã được hỗ trợ bởi những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra ở Trung Đông, nhưng nhu cầu yếu ở Trung Quốc đã gây áp lực lên thị trường trong nhiều tháng. Trong ngày 12/08, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay xuống 135,000 thùng/ngày khi kỳ vọng ở Trung Quốc đã giảm sút.

"Cả thị trường năng lượng, kim loại cơ bản và đồng đều phản ánh một môi trường kinh tế chậm hơn. Trong môi trường này, tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại hơn, giảm nguy cơ tình trạng thiếu cung”, ông Melek nói.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, Mỹ đang nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ, áp thuế chống lại Bắc Kinh đối với mọi thứ từ xe điện, pin, đến bán dẫn và mô-đun năng lượng mặt trời. Liên minh châu Âu (EU) thông báo áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc vào tháng 7 và ở chiều ngược lại, Bắc Kinh đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 09/08.

"Điều đó có thể làm chậm lại dòng chảy hàng hóa tự do”, Melek nói. "Nếu chúng ta áp thuế, điều đó có nghĩa là giá cao hơn và nhu cầu sẽ giảm."

Thị trường đang chờ đợi báo cáo mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày 14/08 và bình luận từ cuộc họp thường niên của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Wyoming vào tuần tới. Ông Melek cho rằng khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 đã hoàn toàn phản ánh vào thị trường.

"Tôi không chắc thị trường sẽ phấn khích đến thế”, Melek nói về khả năng giảm lãi suất vào tháng 9. TD Securities đang đặt kịch bản cơ sở là Fed giảm25 điểm cơ bản, nhưng cũng để ngỏ khả năng giảm 50 điểm cơ bản nếu dữ liệu CPI yếu hơn dự báo.

Vũ Hạo (Theo CNBC)